Đất bị vây bọc, tôi có quyền mở lối đi riêng trên đất của hàng xóm?

Việc mở lối đi riêng trên đất của người khác là vấn đề khá nhạy cảm, có thể dẫn đến cãi vã, tranh chấp, gây ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Trên thực tế, vấn đề này không hề hiếm gặp và pháp luật đã có quy định cụ thể về quyền được mở lối đi riêng.

Bạn đọc hỏi: Tôi ở Bắc Ninh, con trai sắp tới chuyển lên Hà Nội làm việc nên qua người quen giới thiệu, tôi đã mua tặng con một mảnh đất ở đó để xây nhà. Tuy nhiên, khi đã hoàn tất các thủ tục mua bán xong xuôi, tôi mới phát hiện khu đất đó bị bao bọc bởi các hộ xung quanh và không có lối ra. Vậy, trong trường hợp này tôi có quyền xin mở lối đi riêng không?

Trước hết, quyền mở lối đi riêng qua bất động sản của hàng xóm hay bất động sản liền kề được quy định tại Điều 254 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

Điều 254. Quyền về lối đi qua

 “1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

Như vậy, trong trường hợp bất động sản của bạn bị vây bọc bởi các bất động sản khác và không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì bạn (chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền lối đi ra) được quyền yêu cầu hàng xóm (chủ sở hữu bất động sản vây bọc) dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Trong trường hợp không có thỏa thuận nào khác thì bạn phải đền bù cho hàng xóm một khoản tương xứng (bằng tiền, đất hoặc tài sản khác). Với trường hợp bất động sản được chia thành các phần khác nhau do các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết và hợp lý cho người ở phía trong mà không có đền bù.

Chủ bất động sản bị vây bọc có quyền mở lối đi riêng trên đất của hàng xóm.

Về nguyên tắc, vị trí, chiều rộng, chiều dài và chiều cao của lối đi do các bên tự thỏa thuận sao cho thuận tiện đi lại và ít gây phiền hà đến các bên. Trong trường hợp bạn đã trao đổi với hàng xóm mà không đạt được kết quả như mong muốn, phát sinh tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân xử.

Để tránh tranh chấp xảy ra sau này, đồng thời làm căn cứ để giải quyết tranh chấp nếu có, sau khi đã thống nhất được việc mở lối đi riêng, các bên phải làm biên bản thỏa thuận. Biên bản này ghi rõ thông tin các bên tham gia, thỏa thuận về vị trí, diện tích lối đi, quyền và nghĩa vụ của các bên, đồng thời biên bản phải được lập thành văn bản, có chữ ký của các bên tham gia và được chứng thực tại UBND cấp xã hoặc phòng công chứng. Các bên sẽ dựa vào biên bản thỏa thuận để thực hiện nghĩa vụ và đảm bảo quyền lợi của mình.

Ngoài ra, theo Điều 247 Bộ luật dân sự 2015, quyền lối đi qua có hiệu lực đến khi bất động sản liền kề còn tồn tại. Như vậy, khi chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc chuyển giao bất động sản cho người khác thì chủ mới vẫn được hưởng quyền về lối đi của chủ cũ.

Trong trường hợp chủ bất động sản có đất làm đường đi muốn lấy lại lối đi riêng thì cần tuân thủ theo Điều 256 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, chủ bất động sản liền kề có thể lấy lại đường đi khi mua lại mảnh đất đang bị vây bọc và cần sử dụng lối đi tại đất của mình hoặc chủ bất động sản bị bao bọc đã tìm được lối đi khác phù hợp hơn hoặc khi các bên thống nhất sẽ không sử dụng lối đi đó nữa.

Trong bối cảnh dân số gia tăng trong khi đất đai ngày càng hạn hẹp, tranh chấp về lối đi riêng ngày càng diễn ra phổ biến hơn. Dẫu biết, quyền có lối đi riêng là quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc nhưng các bên cần có tinh thần thiện chí khi trao đổi, thỏa thuận với nhau nhằm đạt được lợi ích cả hai bên vì tranh chấp, kiện cáo sẽ làm mất đi tình làng nghĩa xóm, gây tốn kém thời gian, tiền bạc và sức lực.

Nguồn: batdongsan.com.vn

So sánh các bảng liệt kê

So sánh