Người dân có thể tách thửa đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, rồi sau đó làm đơn xin chuyển sang đất ở.
Theo khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai 2024 thì hộ gia đình, cá nhân được phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở nếu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp lên thổ cư là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thay vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm như trước tại Luật Đất đai 2013. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được quy định tại Điều 62 Luật đất đai 2024 là 10 năm (tầm nhìn 20 năm). Và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hằng năm.
Đáng chú ý, Luật không quy định hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế một số địa phương vẫn sử dụng hạn mức công nhận đất ở, giao đất ở để làm hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất. Hạn mức cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại một số địa phương chủ yếu căn cứ vào hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.
Khi người dân xin chuyển mục đích sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại địa phương thường chỉ cho phép chuyển tối đa bằng hạn mức công nhận đất ở, hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Mặc dù không có quy định áp dụng 2 loại hạn mức này cho trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nhưng hạn mức công nhận đất ở, hạn mức giao đất ở thường không quá rộng (chỉ đủ để xây dựng 01 nhà ở, có khoảng sân và một số công trình phục vụ sinh hoạt khác).
Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều trường hợp việc chỉ cho phép chuyển sang đất ở với một diện tích nhất định không đáp ứng được nhu cầu của một số hộ gia đình, cá nhân, thậm chí không ít trường hợp muốn chuyển lên đất ở càng rộng, càng nhiều càng tốt cho dù mất nhiều tiền sử dụng đất.
Do đó, đối với trường hợp này có thể tham khảo sử dụng phương án sau:
Bước 1: Tách thửa đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Để thuận tiện hơn cho việc xin chuyển sang đất ở thì khi tách người đứng tên trên Sổ đỏ, Sổ hồng phải khác nhau.
Lý do người đứng tên Sổ đỏ, Sổ hồng phải khác nhau xuất phát từ việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất để ở trên thực địa; nếu tách thành nhiều thửa nhưng vẫn đứng tên một người thì việc thẩm định sẽ khó khăn hơn, bởi lẽ một người có nhu cầu xây nhiều nhà trên nhiều thửa đất ở trong trường hợp này là chưa hợp lý.
Bước 2: Người sử dụng đất nông nghiệp làm đơn xin chuyển sang đất ở.
Tại bước này người sử dụng đất chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Như vậy, nếu phương án trên được thực hiện thì diện tích được chuyển lên đất ở có thể nhiều gấp đôi, thay vì chỉ có một phần thửa đất được chuyển sang đất ở như phương án thông thường.
Nhật Anh
Nhịp sống thị trường