Nhìn lại 2 thập kỷ qua, thị trường bất động sản (BĐS) đã có sự thay đổi rõ rệt, nhưng đâu đó vẫn còn nguồn nhân lực tay ngang, chớp nhoáng. Điều này đã dần tới hệ lụy là những cò đất thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng loạn thị trường.
Trong thời gian qua, ngay chính nhiều dự án của Đại Phúc Land cũng đã bị nhân viên môi giới giả mạo đem ra quảng cáo rồi rao bán với giá rẻ so với giá thực tế của dự án, khiến khách hàng hoang mang, làm mất uy tín của công ty. Thậm chí có trường hợp lấy danh nghĩa nhân viên công ty đứng ra ký hợp đồng, nhận đặt cọc lừa đảo khách hàng.
Ngoài tăng trưởng về mặt quy mô, số lượng thì chất lượng nhân lực BĐS thời gian qua đã có sự thay đổi rõ rệt. Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2019, số lượng môi giới hoạt động tại các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập khoảng 300.000 người. Trong vòng 3 năm gần đây, mức độ tăng trưởng của môi giới BĐS trên thị trường đạt trung bình khoảng 15%. Môi giới BĐS đang trở thành nghề hấp dẫn đông đảo nhân lực.
Tuy nhiên, nhân lực BĐS ở nước ta chủ yếu đi từ phát triển thực tế kinh doanh, không có sự đào tạo bài bản, chính quy như ở các nước phát triển. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn nhân lực BĐS không đồng đều.
Cùng mang danh nghĩa chuyên viên tư vấn, có người được đào tạo bài bản, được trang bị kỹ năng tốt nhưng ngược lại có những đội ngũ hơi “xô bồ”, “ăn xổi”, chứ không nghĩ tới việc phát triển bền vững và giá trị mang tới cho khách hàng. Hệ lụy chính là những trường hợp lừa khách hàng, rao dự án này nhưng giới thiệu dự án khác, vô tình ảnh hưởng tới thị trường chung.
Tình trạng này hiện nay gần như bị thả nổi, dẫn đến môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi, nhiều công ty kinh doanh BĐS chân chính bị mất uy tín đối với khách hàng. Đây thật sự là vấn đề đáng báo động đối với chất lượng nhân lực trong ngành BĐS.
Việc xây dựng tín nhiệm với khách hàng là vô cùng quan trọng. Người môi giới BĐS phải làm thế nào để khách hàng thấy người tư vấn có đủ kỹ năng, đủ kiến thức thay mặt khách hàng thẩm định sản phẩm BĐS về mặt pháp lý, vị trị, thương hiệu của chủ đầu tư…; đồng thời phân tích được giá trị về mặt tiềm năng của sản phẩm, giúp khách hàng có một quyết định đúng đắn, hạn chế những rủi ro không đáng có. Do đó, nguồn nhân lực BĐS không những cần số lượng, mà chất lượng cũng cần được nâng cao.
CẦN CHẾ TÀI QUẢN LÝ CHẶT CHẼ
Do đó, cần một nền tảng, một quy chuẩn chung của toàn thị trường để nhân sự gia nhập vào lĩnh vực tư vấn bất động sản có thể đạt được những tiêu chí cơ bản đó; đồng thời thể hiện được chất lượng nhân lực xứng tầm với giá trị của sản phẩm BĐS.
Thực tế, các doanh nghiệp đang có những chương trình đào tạo nội bộ qua nhiều cấp độ khác nhau. Nhưng về mặt tổng thể, không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức được điều đó. Bên cạnh đó, những quy chuẩn, quy tắc trên sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề tiêu cực, đồng thời tránh trường hợp người tư vấn nhận thức được những điều không đúng, không tốt cho khách hàng nhưng vẫn bỏ qua vì lợi ích trong bán hàng.
Nhìn chung, nhân lực của ngành BĐS đang là vấn đề rất phức tạp, với sự phát triển nhanh chóng của thị trường. Do đó, việc lành mạnh hóa, chuẩn hóa đội ngũ, tránh câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” là điều rất cấp thiết. Những chuyên viên tư vấn BĐS cũng phải xác định được lộ trình phát triển dài hạn của mình, nếu không, sẽ nhanh chóng bị đào thải.
Không những vậy, để công bằng với những người môi giới làm tốt và không tốt, thì nên có những chế tài, hình thức cảnh cáo những nhân sự làm sai. Đơn cử như cấm giao dịch, hoạt động hành nghề trong một khoảng thời gian có thể là 3 tháng, 6 tháng, hay thậm chí là vĩnh viễn trong trường hợp vi phạm quy chuẩn đạo đức gây ảnh hưởng, tổn thất nghiêm trọng tới khách hàng.
Theo CafeF