Chuyên Gia Nhận Định Các Kịch Bản Cho Thị Trường BĐS 2023

Năm 2022 – một năm đầy thách thức với bất động sản sắp khép lại, thị trường chuẩn bị bước sang năm 2023. Những khó khăn của năm cũ liệu còn kéo dài sang năm tới? Các chuyên gia đã đưa ra dự báo về bức tranh thị trường trong năm tới.

Nhiều Kịch Bản Được Đưa Ra

Dự báo về kịch bản bất động sản năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thị trường có thể ghi nhận 2 kịch bản sẽ xảy ra trong năm 2023. Đây là hai kịch bản trái ngược nhau, phụ thuộc vào những diễn biến thực tế về chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ.


Nhiều kịch bản thị trường bất động sản 2023 đã được các chuyên gia dự báo

Với kịch bản tích cực, đồng nghĩa Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh sau Tết Quý Mão về nguồn vốn, trái phiếu. Nhờ đó, thay vì u ám, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên và có sự phát triển ổn định đến cuối năm. Tuy nhiên, trong trường hợp không có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tiếp tục kéo dài hiện trạng khó khăn như hiện tại. Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định khả năng cao kịch bản tích cực sẽ xảy ra, tức là thị trường sẽ từng bước khởi sắc.

Tiến sĩ Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết việc Ngân hàng Nhà nước tăng tín dụng lên 1,5-2% thời điểm cuối năm đã tạo thêm một nguồn vốn đáng kể cho thị trường đang khát vốn trầm trọng. Dù có thể chưa tạo nên những biến chuyển lớn nhưng đây cũng là yếu tố kích hoạt sự ấm lên của thị trường thời gian tới, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán.

Khác với Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Chung đưa ra 3 kịch bản thị trường cho năm tới. Kịch bản đầu tiên là thị trường sẽ được điều chỉnh theo hướng thực chất, tức là thị trường sẽ có sự cân đối về tính chất sản phẩm được đưa ra thị trường, có thể các dòng hạng sang, cao cấp sẽ giảm tỉ trọng trên thị trường. Ông Chung cho rằng đây là kịch bản có khả năng cao sẽ xảy ra nhất.

Với kịch bản thứ 2, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra một bức tranh vô cùng sáng sủa. Theo đó, 3 bộ luật là Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… sẽ được ban hành và thông qua trong năm tới; cùng với nguồn vốn từ room tín dụng được mở, vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam… sẽ kích hoạt cho một chu kì mới đi lên. Thị trường bất động sản vượt qua điểm lõm. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng tính hiện thực của kịch bản này khá thấp vì có nhiều điều kiện nằm ngoài khả năng của nền kinh tế Việt Nam.

Kịch bản thứ 3 là một kịch bản không tươi đẹp, có thể nói là xấu nhất trong các kịch bản khi mọi khó khăn của hiện tại vẫn kéo dài. Nền kinh tế thế giới vẫn theo mạch suy thoái, tác động đến nền kinh tế trong nước. Thị trường bất động sản do đó tiếp tục đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Với kịch bản này, ông Trung cho rằng nếu không có khoản tiền đáp ứng yêu cầu trả lãi và đáo hạn, thị trường bất động sản bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại. Tuy nhiên, theo Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kịch bản này khó xảy ra. “Nhưng khó xảy ra không có nghĩa là không thể xảy ra”, ông Trung nhấn mạnh.  

Giải Pháp Nào Thúc Đẩy Thị Trường?

Cả ông Đính và ông Trung đều cho rằng một trong những giải pháp thiết thực nhất các doanh nghiệp phải tiến hành đó là chủ động trong việc cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản đang phát triển. Việc cơ cấu hướng đến sự phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Cụ thể, đó là việc tập trung phát triển các sản phẩm bất động sản có mức giá phù hợp tại các dự án mới. Khi đó thị trường sẽ lưu thông và thanh khoản tốt hơn.


Để kịch bản lạc quan nhất về thị trường thành hiện thực, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Ở giải pháp này, ông Đính chia sẻ cụ thể hơn, đó là tổ Công tác của Chính phủ có thể đưa ra một số cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy và tháo gỡ cho những dự án cấp thiết, phù hợp với phần lớn nhu cầu của xã hội. Các dự án thương mại cao cấp nếu chuyển đổi thành nhà giá rẻ, nhà ở xã hội phù hợp với thu nhập của người dân cần có cơ chế riêng như ưu tiên cấp nguồn vốn và điều chỉnh chính sách để khơi thông nguồn vốn cho những dự án có tính chất nêu trên.

Ngoài ra, cả hai chuyên gia đều cho rằng tiến độ chỉnh sửa luật cần được đẩy nhanh hơn, nội dung sửa cần bám sát thực tế, phải thực sự tháo gỡ được điểm nghẽn đang hiện hữu. Các bộ luật cần có sự kĩ càng trước khi ban hành, chỉ cần có vướng mắc thì vẫn tiếp tục phải sửa, đặc biệt là Luật đất đai. Việc sửa luật phải được công khai và được cập nhập thường xuyên để đông đảo mọi người nắm bắt được, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, thị trường.

Một vấn đề khác được ông Trần Kim Chung nhấn mạnh là doanh nghiệp cần đa dạng hóa việc tiếp cận các nguồn vốn, thay vì chỉ tập trung vào tín dụng ngân hàng. Để các doanh nghiệp được tiếp cận nhiều nguồn vốn thì cần các tổ chức tài chính phải có sự đa dạng nguồn tài chính cho thị trường bất động sản.

Nguồn: batdongsan.com.vn

So sánh các bảng liệt kê

So sánh

Không thể thực hiện thao tác