Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến 2022, thị trường bất động sản lại tiếp tục gặp không ít khó khăn, gây trở ngại cho sự phục hồi của thị trường trong năm nay…
Nhìn lại diễn biến của thị trường bất động sản trong năm qua, Giám đốc bộ phận phát triển nhà ở CBRE Việt Nam Kiệt Võ chia sẻ đầu năm 2022, thị trường đã đón nhận thông tin rất sốc khi đấu giá ở Thủ Thiêm (TP.HCM) đã gần lên mức giá 2,5 tỷ cho 1m2. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử ở các cuộc đấu giá công khai. Tiếp đó đến tháng 3, tháng 4 lại xảy ra sự kiện FLC và Tân Hoàng Minh bị điều tra về những sai phạm trong việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu…
TÍN DỤNG BỊ THẮT CHẶT
“Đặc biệt, giai đoạn tháng 6, Ngân hàng Nhà nước quyết định thắt chặt tín dụng cho bất động sản. Đó là một trong những tín hiệu cho thấy các vấn đề liên quan đến tài chính bất động sản bắt đầu càng lúc càng trở nên nguy cấp hơn; về sau Ngân hàng Nhà nước lại công bố tăng lãi suất lần thứ 2. Những thông tin trên đều ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, nhất là quyết định về tín dụng, lãi suất đã trực tiếp liên quan đến nguồn vốn. Vì thế cùng với các yếu tố khác, càng về sau “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm”, chuyên gia của CBRE đánh giá.
Liên quan đến vấn đề này, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Từ quý 4/2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng quá ít. Các doanh nghiệp bất động sản nào còn hoạt động thì phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…
Với doanh nghiệp dịch vụ bất động sản, năm 2022 là một năm vô vàn trắc trở. Hầu hết các doanh nghiệp môi giới lỗ nặng. Nhiều đơn vị thiếu dòng tiền phải nghỉ Tết sớm, cắt giảm nhân sự, giảm lương và đóng cửa văn phòng. Số lượng môi giới dừng hoạt động ước đạt 80% lực lượng. Bước sang tháng đầu tiên của năm 2023, tình trạng của các doanh nghiệp môi giớ vẫn không khá hơn, thậm chí nhiều chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng.
Không chỉ doanh nghiệp đầu tư bất động sản, doanh nghiệp dịch vụ bất động sản, mà cả các doanh nghiệp liên quan đến thị trường bất động sản cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp do bị ảnh hưởng bởi tình trạng chậm thanh toán của chủ đầu tư.
Từ tình hình thực tế nêu trên, GS. TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý, thị trường bất động sản đóng góp quan trọng trực tiếp vào sự tăng trưởng kinh tế, đồng thời có tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Thế nên thị trường gặp khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản suy giảm sẽ dễ dẫn đến nguy cơ gây đình trệ tăng trưởng, thậm chí suy thoái…
NÊN THÚC ĐẨY NHANH VIỆC BƠM VỐN CHO NỀN KINH TẾ
Để giải bài toán về vốn, đại diện Hội Môi giới bất động sản nêu ý kiến, Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy nhanh việc bơm vốn cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động phát triển bất động sản giúp các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền, hướng vào phân khúc sản phẩm phù hợp và dự án ưu tiên.
Riêng doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thêm cho doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch Covid-19. Đặc biệt, những dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp cần hỗ trợ vay vốn ưu đãi giúp doanh nghiệp phát triển, nhưng muốn ngân hàng thương mại thực hiện được thì rất cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất. Ngoài ra, không thể bỏ qua việc hỗ trợ cho vay các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Hoặc mua lại trái phiếu đã phát hành, mà doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn và chứng minh được việc sử dụng nguồn tiền trái phiếu phát hành đúng mục đích.
Bổ sung thêm, đại diện một doanh nghiệp cho biết, trong đầu tư bất động sản có nhiều chi phí phát sinh song không phải chi phí nào ngân hàng cũng giải ngân. “Nếu trước đây khi nguồn vốn không bị bó, doanh nghiệp còn tốt có thể huy động vốn để tài trợ cho các khoản này thì hiện nay là không. Bởi vậy, rất mong Ngân hàng Nhà nước xem xét một số khoản là chi phí phát sinh, đồng thời có biện pháp giảm dần lãi suất cho người dân và chủ đầu tư”, vị này bày tỏ.
Được biết, từ giữa tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước. Cùng với đó, thời gian gần đây, Chính phủ liên tiếp đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến thị trường bất động sản, bao gồm cả về nguồn vốn, để từ đó có những giải pháp thiết thực giúp thị trường phát triển bền vững, lành mạnh.
Điều này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ với ngành bất động sản. Đây là tín hiệu tích cực, đáng kỳ vọng cho thị trường bất động sản nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng giữa bối cảnh khó khăn.
Theo vneconomy.vn