Kiến nghị bỏ việc đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất của người dân

TTO – Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, TP.HCM kiến nghị nên bỏ yêu cầu người dân phải đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất, các địa phương có thể ước lượng diện tích đất được chuyển mục đích để đăng ký kế hoạch hằng năm.

Kiến nghị bỏ việc đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất của người dân - Ảnh 1.

Ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TP.HCM), kiến nghị tại buổi giám sát – Ảnh: D.N.HÀ

Kiến nghị này được ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TP.HCM), đưa ra tại buổi giám sát của Ban Đô thị (HĐND TP.HCM) đối với UBND TP Thủ Đức về thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP.HCM ngày 22-9.

Không đăng ký, không được chuyển mục đích sử dụng đất?

Ông Hoàng Tùng cho biết, quy định hiện hành là người dân đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất mới được giải quyết đã hạn chế việc thực hiện quyền lợi về đất đai của người dân.

Đất đã phù hợp quy hoạch, nhưng người dân muốn chuyển sang đất ở phải đi đăng ký vào cuối năm trước. Những người trễ đợt đăng ký hoặc phát sinh nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sau đợt đăng ký phải chờ đến năm sau mới đăng ký lại và năm sau nữa mới được chuyển mục đích sử dụng đất.

Ông Hoàng Tùng đặt câu hỏi: Có cần thiết phải lập kế hoạch sử dụng đất cho từng hộ dân, từng thửa đất hay không? Việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất của người dân nên chăng đơn giản lại, các địa phương có thể dựa vào diện tích đất mà người dân chuyển mục đích năm trước để đăng ký nhu cầu dự kiến cho năm sau.

Nếu kết quả chuyển mục đích sử dụng đất cuối năm cao hoặc thấp hơn mức dự kiến thì chuyển sang kỳ kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo.

Kiến nghị bỏ việc đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất của người dân - Ảnh 2.

Buổi giám sát ngày 22-9 của Ban Đô thị, HĐND TP – Ảnh: D.N.HÀ

Tại buổi giám sát, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nhu cầu sử dụng đất của người dân phải thể hiện bằng đơn đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất. 

Trước đây, một số quận, huyện ở TP.HCM cũng đã ước lượng diện tích đất dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng để đăng ký kế hoạch. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra đã “bắt giò” và yêu cầu các địa phương phải thực hiện cho từng người dân đăng ký như hiện nay.

Ông Hoàng Tùng kiến nghị HĐND TP quan tâm đến vấn đề này, đưa vào góp ý sửa đổi Luật đất đai để xử lý linh hoạt cho dân.

Duyệt kế hoạch sử dụng đất quá trễ

Tại buổi giám sát, đại diện UBND TP Thủ Đức cũng đề cập việc kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của địa phương này đến nay chưa được duyệt, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của người dân trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân – trưởng Ban Đô thị – đặt vấn đề vì sao kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở các quận, huyện và TP Thủ Đức được phê duyệt rất trễ. Có nơi được phê duyệt trong tháng 8, còn TP Thủ Đức đến nay vẫn chưa có kế hoạch sử dụng đất năm 2022.

Kiến nghị bỏ việc đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất của người dân - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân hỏi vì sao duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm rất trễ? – Ảnh: TIẾN LONG

Theo quy định, kế hoạch sử dụng đất này là căn cứ để địa phương giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất cho dân.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các quận, huyện vào đầu năm. Chỉ là các quận, huyện điều chỉnh và gửi hồ sơ lại trễ, dẫn đến trình cho UBND TP trễ và phê duyệt trễ.

Trong khi đó, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thủ Đức cho biết trong thực tế, quá trình lập kế hoạch sử dụng đất đang vướng nhiều quy định nên phải chờ cơ quan chức năng hướng dẫn. Cụ thể các vướng mắc về đơn giá để lập dự toán chi phí, vướng về thủ tục đấu thầu bắt buộc… đều phải làm công văn hỏi ý kiến các sở, ngành và chờ câu trả lời.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân phân tích: theo quy định, kế hoạch sử dụng đất của năm 2022 phải được duyệt trước ngày 31-12-2021. Nhưng đến nay đã gần hết quý 3 mà kế hoạch sử dụng đất của TP Thủ Đức và nhiều quận, huyện chưa được duyệt là làm sai quy định.

Nguồn: tuoitre.vn

So sánh các bảng liệt kê

So sánh

Không thể thực hiện thao tác