Nhiều người mua ở thực và cả đầu tư bất động sản đang rơi vào nghịch lý: khi giá leo đỉnh thì tranh nhau mua nhà đất và đắn đo, chần chừ khi giá đang có xu hướng giảm sâu.
Tranh Mua Khi Giá Tăng Cao, Chần Chừ Khi Giá Giảm
Từng có ý định gom tiền và vay mượn thêm họ hàng để mua nhà khi chứng kiến làn sóng sốt đất vào đầu năm 2022 nhưng rồi anh Phạm Văn Hải (Thuận An, Bình Dương) lại chọn “án binh bất động”, không tham gia thị trường khi giá nhà đang giảm. Anh cho biết, thời điểm cuối năm 2022, sốt đất bùng nổ khắp nơi, giá đất gần nhà anh tăng từ 3 tỷ đồng lên gần 4 tỷ đồng. Anh lo lắng nếu không tranh thủ mua thì sẽ đánh mất cơ hội vì sau này giá sẽ tăng tiếp. Tuy nhiên do chưa gom đủ tiền, gia đình lại cản không muốn đi vay nên anh không mua.
Nghịch lý là dù vẫn có nhu cầu mua đất để dành về sau, nhưng giờ khi giá đất hạ nhiệt, không phải chịu “cạnh tranh” thì anh Hải lại không mua nữa. Theo anh, lô đất anh tính “tậu” đã giảm giá xuống còn 3,2 tỷ đồng, nếu sắp tới giá giảm xuống tầm 2,8-3 tỷ đồng anh sẽ xem xét, còn giờ sẽ không tham gia.
Nhà đầu tư và người mua ở thực có tâm lý giống anh Hải không hiếm trên thị trường nhà đất hiện nay. Tích cực nhảy vào đầu tư đất, săn mua đất khi giá đang leo cao và ngần ngại tham gia thị trường khi giá đất có động thái giảm. Xu hướng đầu tư theo đám đông, bị cuốn theo tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội khiến không ít nhà đầu tư phải chịu cảnh “mua đỉnh bán đáy” hay bỏ qua cơ hội mua được giá tốt vì ngần ngại khi thị trường mất nhiệt hay chưa chạm đáy.
Ông Đỗ Khải, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, từng trải qua tâm lý giống như trên khi đầu tư đất trong giai đoạn 2008-2010. Thời điểm ấy khi sốt đất, giá tăng từng tuần, ông phải chấp nhận bỏ tiền chênh để săn suất đầu tư nhưng đến khi nhà đất giảm nhiệt, ông bị cuốn theo tâm lý nhà đất đã hết “nóng”, không còn là kênh đầu tư hấp dẫn mà bỏ qua cơ hội mua được sản phẩm tốt. Đến lúc BĐS dần phục hồi, ông vẫn lưỡng lự không quyết vì chờ giảm thêm sẽ tính. Rồi thị trường phục hồi nhanh, vào giai đoạn tăng mạnh, ông mới tham gia và bỏ mất nhiều cơ hội. “Tôi vẫn quan sát thị trường và có thể, vào khoảng quý 3 tới đây sẽ tham gia trở lại khi nhắm được sản phẩm tốt”, vị này cho hay.
Chọn Đúng Điểm Rơi Để Tìm Cơ Hội
Ghi nhận của Batdongsan.com.vn, nhiều điểm nóng ở TP.HCM như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, TP. Thủ Đức hay các khu vực “sốt” hạ tầng như Long Thành, Nhơn Trạch (Biên Hòa), Dĩ An, Tân Uyên, Bàu Bàng (Bình Dương)… giá bán đất nền, đất thổ cư mấy tháng qua đã giảm mạnh 20-40% so với đầu năm 2022. Nhiều dự án căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh vệ tinh đang triển khai hay hoàn thiện được rao bán sang tay với mức giảm cả trăm thậm chí gần tỷ đồng nhưng vẫn ít người mua.
Không chỉ nguồn hàng thứ cấp từ dân đầu tư mắc cạn, ngay cả với thị trường giao dịch sơ cấp từ chủ đầu tư, giá bán và các chính sách ưu đãi cũng hấp dẫn hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều dự án sơ cấp ưu đãi chiết khấu về giá bán lên đến 30 – 40%, các chính sách thanh toán mua nhà, vay vốn mà người mua chiếm được nhiều lợi thế gần như sẽ không xuất hiện ở thời điểm thị trường tăng trưởng mạnh hay nóng sốt cũng được áp dụng rộng rãi. Tuy vậy nhưng người mua có tiền, có nhu cầu mua ở hay đầu tư vẫn đứng ngoài quan sát, đắng đo, muốn chờ dò đáy của thị trường để không phải mua hớ giá.
Theo giới chuyên môn, giá chào bán BĐS trên thị trường sơ cấp có xu hướng chững lại, các CĐT đều cơ cấu lại chính sách bán hàng, tích cực hỗ trợ người mua thông qua nhiều phương thức với mục tiêu giảm giá thành tổng sản phẩm khi đến tay người mua. Vì vậy, khách hàng có nhu cầu mua để tích trữ tài sản, đầu tư dài hạn có thể tận dụng thời điểm này để hưởng ưu đãi tốt. Với người dân có nhu cầu ở thực, đây là cơ hội để tìm kiếm ngôi nhà an cư với giá hợp lý vì nếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan, BĐS chắc chắn sẽ tăng giá nhanh hơn so với tốc độ tăng thu nhập của xã hội.
Bàn về vấn đề “bắt đáy” nhà đất, ông Lê Đình Hảo – Giám đốc khối Kinh doanh Batdongsan.com.vn cho rằng, việc dự đoán đâu là đỉnh, đâu là đáy có chăng là những nhận định mang tính cá nhân, chủ quan. Mỗi loại hình BĐS đều có tiềm năng nhất định trên thị trường tùy thuộc vào từng thời điểm, chính sách nào đang tác động tới loại hình, phân khúc đó. Vậy nên nếu khách hàng đã tích lũy đủ tiền mặt, muốn mua các sản phẩm đã hoàn thành hoặc các sản phẩm nhà ở trong tương lai phù hợp với nhu cầu để ở hay tích lũy tài sản thì không cần quan tâm đến giá của căn nhà đó đã ở “đáy” hay chưa, ngay khi thấy có sự điều chỉnh, có thể lập tức mua vào.
Hiện nay Chính phủ đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ cho thị trường như tín dụng, sửa các quy định của pháp luật… Các địa phương cũng tích cực trong việc hỗ trợ các dự án chậm triển khai hoàn thiện pháp lý để có sản phẩm tung ra thị trường. Nhiều khả năng thị trường sẽ sớm phục hồi và bắt lại nhịp sôi động.
Theo batdongsan.com.vn