Nhà liền thổ là loại nhà ở rất phổ biến hiện nay và chủ yếu thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân. Nhà liền thổ thường được sử dụng để phân biệt với nhà chung cư. Để hiểu rõ nhà liền thổ là gì và có thời hạn sở hữu bao nhiêu năm hãy xem bài viết dưới đây.
1. Nhà liền thổ là gì?
Mặc dù Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn không quy định hay giải thích thế nào là nhà liền thổ. Tuy nhiên, căn cứ vào thuật ngữ “nhà liền thổ” có thể hiểu đó là nhà ở gắn liền với đất ở.
Xét dưới góc độ pháp lý, nhà liền thổ chính là nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập).
Khoản 2 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định về nhà ở riêng lẻ như sau:
“Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.”.
Tóm lại, nhà liền thổ là nhà ở riêng lẻ, gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
2. Nhà liền thổ có thời hạn sở hữu bao nhiêu năm?
Mặc dù Bộ luật Dân sự và pháp luật nhà ở không có quy định trực tiếp về thời hạn sở hữu nhưng căn cứ theo quy định về quyền sở hữu có thể khẳng định rằng thời hạn sở hữu nhà ở liền thổ phụ thuộc vào thời gian tồn tại của nhà ở.
Nói cách khác, chủ sở hữu nhà ở chỉ mất quyền sở hữu khi nhà ở đó không còn tồn tại.
3. Nhà liền thổ có phải đăng ký sở hữu không?
Khi sử dụng đất thì người sử dụng đất phải đăng ký đất đai lần đầu và đăng ký biến động để nhà nước quản lý; riêng trường hợp nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì pháp luật không bắt buộc chủ sở hữu phải đăng ký.
Nói cách khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có yêu cầu của sở hữu. Quy định này được nêu rõ tại khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2013, cụ thể:
“1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.”.
Tóm lại, nhà ở liền thổ khi xây dựng xong không bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu để ghi nhận và Sổ đỏ, Sổ hồng nhưng nên đăng ký vì chỉ khi đó mới được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,.. nhà ở.
4. Khi nào xây nhà liền thổ phải có/không cần giấy phép xây dựng?
* 4 trường hợp xây nhà liền thổ phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công
Căn cứ khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, những trường hợp sau đây phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng:
– Nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn có quy mô dưới 07 tầng nhưng thuộc khu vực có quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn nhưng được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
– Nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn có quy mô từ 07 tầng trở lên.
* 3 trường hợp xây nhà liền thổ được miễn giấy phép xây dựng
Cũng theo khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, những trường hợp dưới đây được miễn giấy phép xây dựng, cụ thể:
– Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp này phải thông báo thời điểm khởi công).
– Nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Nhà ở riêng lẻ tại miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.
Tóm lại, khi xây dựng nhà liền thổ tại khu vực đô thị (nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn) phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công, nếu thuộc khu vực nông thôn sẽ được miễn giấy phép xây dựng, trừ một số trường hợp được nêu cụ thể như trên.
Theo luatvietnam.vn