Ông Trần Văn Bảy cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc ban hành bảng giá đất hằng năm là khó thực hiện.
Ngày 10-3, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của đông đảo các đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai.
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết dự thảo luật lần này đã quy định quy định chặt chẽ, chi tiết hơn, hạn chế các điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Trong đó, bà Thảo khá tâm đắc với các quy định tại dự thảo về việc mở rộng hạn mức quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất… tạo điều kiện đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Tuy nhiên, bà Phương Thảo cũng cho rằng dự thảo Luật còn nhiều nội dung cần sửa đổi. Đơn cử như việc dự thảo luật quy định “Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất” là rất khó khả thi, chi phí lớn và là thách thức đối với các huyện.
Hay như quy định về thông báo thu hồi đất, Điều 83 dự thảo quy định trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
Bà Thảo cho rằng thời hạn như trên là dài, bà đề nghị có thể rút ngắn 1/3 thời gian mà dự thảo đã nêu, chỉ cần thông báo cho người bị thu hồi đất biết chậm nhất 60 ngày đối với đất nông nghiệp và 120 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM góp ý nhiều nội dung. Đáng chú ý là quy định về vấn đề bảng giá đất tại dự thảo.
Hiện nay, Luật Đất đai 2013 quy định về khung giá đất, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai đã bỏ khung giá đất theo tinh thần tại Nghị quyết 18, còn bảng giá đất sẽ được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1-1 của năm.
Theo ông Bảy, việc ban hành bảng giá đất hằng năm là khó, “không làm nổi”. Ông lấy ví dụ về thực tế kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các quận, huyện tại TP luôn trễ hẹn, từ đó, ảnh hưởng tới quyền lợi của người sử dụng đất. Việc ban hành bảng giá đất hàng năm cũng có thể gặp tình trạng như vậy.
Từ đó, ông đề xuất bảng giá đất nên ban hành 5 năm một lần, sẽ điều chỉnh khi có biến động, còn hằng năm sẽ ban hành hệ số điều chỉnh.
Cũng liên quan đến bảng giá đất, TS Võ Phan Lê Nguyễn, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, TP.HCM, đồng quan điểm cho rằng: Việc dự thảo luật quy định xây dựng bảng giá đất hàng năm là khó thực hiện trên thực tế.
Theo plo.vn