Thế nào là nhà khuyết góc? Xác định nhà khuyết góc và cách hóa giải

Nhà khuyết góc là mẫu nhà khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là tại các đô thị lớn nhưng ít người biết kiểu nhà này có phong thủy khá xấu. Vậy nhà khuyết góc là gì? Làm sao để hóa giải nhà khuyết góc? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin đầy đủ nhất về kiểu nhà này và cách hóa giải với từng trường hợp cụ thể.

Theo phong thủy bát trạch, ngôi nhà có 8 phương vị tương ứng với 8 cung: càn, khảm, tốn, chấn, cấn, ly, khôn, đoài đại diện cho ngũ hành và các năng lượng trong vũ trụ. Nhà bị khuyết ở phương vị nào cũng gây mất cân bằng năng lượng, điều rất tối kỵ trong phong thủy. Với bài viết này, Batdongsan.com.vn sẽ giải thích khái niệm nhà khuyết góc là gì, cách xác định nhà bị khuyết góc nào, các hình thái nhà khuyết góc thường gặp và cách hóa giải.

Như thế nào là nhà khuyết góc?

Nhà khuyết góc là nhà bị khuyết thiếu, lõm một góc nào đó khiến mặt bằng không vuông vắn. Trong phong thủy nhà ở, nhà dạng hình vuông, hình chữ nhật là lý tưởng nhất, vừa đầy đặn về trường khí, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ và thuận tiện trong thiết kế, bài trí. Ngược lại những ngôi nhà khuyết góc sẽ mất cân bằng trường khí, ảnh hưởng không tốt đến tài vận, sự nghiệp, gia đạo.

– Các phương vị trong nhà và ý nghĩa từng phương vị
 

Phương vịCungNgũ hànhÝ nghĩa
Tây BắcCànKimQuý nhân
TâyĐoàiKimTử tức
Tây NamKhônThổTình duyên
Đông BắcCấnThổHọc vấn
ĐôngChấnMộcGia đạo
Đông NamTốnMộcTài lộc
NamLyHỏaĐịa vị
BắcKhảmThủyQuan lộc


– Cách xác định nhà khuyết góc nào

Để biết nhà mình khuyết góc nào, khi lên bản vẽ thiết kế, gia chủ tìm tâm nhà rồi dùng bảng 8 phương vị áp lên mặt bằng để xem ngôi nhà bị khuyết ở phương vị nào. Nếu phần bị khuyết chiếm trên 10% diện tích mặt bằng thì ngôi nhà bị khuyết, phần khuyết rơi vào phương vị nào thì nhà bị khuyết ở phương vị đó, nếu phần bị khuyết nhỏ hơn 10% thì ngôi nhà được coi là không bị khuyết góc. Ví dụ, nhà có diện tích mặt bằng là 70m2, mỗi phương vị có diện tích khoảng gần 9m2, nếu phương vị Đông Nam bị mất một góc diện tích khoảng 7m2 trở lên là nhà bị khuyết góc Đông Nam, nếu phần bị lõm dưới 7m2 thì không bị tính là nhà khuyết góc.

Những kiểu nhà khuyết góc thường gặp
 

– Nhà khuyết hậu

Nhà khuyết hậu chính là nhà bị khuyết lõm mặt phía lưng nhà, hay còn gọi là nhà thóp hậu. Mặt bằng nhà có dáng hình thang với cạnh phía lưng nhà ngắn hơn cạnh phía mặt tiền. Nhà khuyết hậu được cho là không tốt về phong thủy vì không giữ được “khí”.

– Nhà vát một góc

Là chỉ những ngôi nhà không có hình dáng cụ thể, bị lõm vào một góc bất kỳ do bị giải phóng mặt bằng, do mảnh đất bị vướng phần diện tích của hàng xóm, hoặc đôi khi chủ nhà muốn xây dựng theo hình dáng đặc biệt. Tùy vào vị trí và độ lớn của góc bị vát mà mức độ ảnh hưởng về cát – hung nặng hoặc nhẹ.

– Nhà chữ L

 
Mặt bằng một ngôi nhà chữ L điển hình

Là ngôi nhà có hình dáng mặt bằng giống chữ L, có nhiều hơn 4 cạnh gấp khúc với chiều ngang hẹp, chiều dài sâu và có phần lõm vào ở mặt tiền nhà. Tuy nhiên nếu hai cạnh nhà ngắn, diện tích nhà lớn hơn nhiều so với phần khuyết lõm phía trước thì vẫn được tính là không rơi vào trường hợp nhà khuyết góc. Nhà chữ L hiện khá phổ biến do tận dụng tốt diện tích và hình dáng của khu đất.

– Nhà chữ U

Nhà chữ U cũng được xếp vào loại nhà khuyết góc với phần lõm vào nằm ở giữa mặt tiền. Cụ thể là phần mặt tiền nhà sẽ nằm ở chính giữa và thụt hẳn vào bên trong, hai bên là hai chái nhà. Kiểu dáng nhà này khá đặc biệt nên không phổ biến.

– Nhà chữ T

 Phối cảnh mẫu nhà chữ T cấp 4

Là những kiểu nhà có dạng hai khối chữ nhật kề vào nhau hình chữ T, khối chữ nhật phía trước chính là mặt tiền nhà có một hành lang dẫn vào cửa chính. Một kiểu khác là cửa chính nằm ngay phía trước mặt tiền nhưng phía sau là một hành lang dẫn vào bên trong. Phần hành lang chính là “thân” của chữ T, còn các khu chức năng bên trong là phần “gạch ngang” của chữ T.

Cách hóa giải phong thủy cho nhà khuyết góc

– Trang trí góc khuyết trong nhà

Những ngôi nhà bị khuyết góc thường có nhiều “góc chết” hơn ngôi nhà vuông vắn. Về mặt cảm quan và thẩm mỹ nên dùng vật trang trí hoặc đồ dùng để lấp đầy các góc chết này, ví dụ đóng các giá, kệ treo tường, đặt thêm vào cây cảnh, tranh ảnh, dùng rèm hay hiệu ứng ánh sáng, màu sơn… Với nhà mới có thể dùng phương án đóng đồ nội thất vừa khéo với các phần diện tích lồi lõm để tạo cảm giác không gian sống vuông vức, hài hòa.

– Sử dụng vật phẩm phong thủy

+ Nhà khuyết góc Tây Bắc:

Góc Tây Bắc thuộc hành Kim, cung Quý nhân nên nếu khuyết thiếu sẽ khiến chủ nhà gặp bất lợi trong công việc, dù nỗ lực nhưng khó đạt kết quả do không nhận được sự trợ giúp từ cấp trên, đồng nghiệp… Để bổ khuyết cho phương vị này, nên sử dụng các vật phẩm mang tính thổ như bình gốm, thủy tinh… Ngoài ra phương vị Tây Bắc đại diện cho người cha, có thể đặt chó đá hoặc chó đồng tại đây để hóa giải.

+ Nhà khuyết góc phía Tây:

Góc phía Tây thuộc hành Kim, cung Tử tức, nhà khuyết góc này gặp khó khăn về chuyện con cái, khó sinh, hay đau ốm hoặc xung khắc với cha mẹ. Có thể đặt tượng gà bằng đồng ở phương vị này để hóa giải.

 
Tượng gà bằng đồng tốt cho nhà khuyết góc phía Tây

+ Nhà khuyết góc phía Đông:

Góc phía Đông thuộc hành Mộc, cung Gia đạo, nhà khuyết góc này gia đình thường dễ xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi, ít khi yên ổn. Để bổ khuyết nên tăng năng lượng Mộc trong nhà bằng cách đặt cây xanh tại đây hoặc một số vật phẩm phong thủy màu xanh lá cây, xanh ngọc. Nhà khuyết góc này cũng ảnh hưởng đến con trai cả, nên trồng hoa hoặc treo thỏ ngọc ở phương vị này.

+ Nhà khuyết góc phía Nam:

Góc phía Nam thuộc hành Hỏa, cung Địa vị, nhà khuyết góc này khiến gia chủ khó thăng tiến trong sự nghiệp, không được coi trọng trong xã hội, ít mối quan hệ… Có thể đặt tượng ngựa bằng đồng, đá hoặc tranh Bát Mã tại đây để hóa giải.

+ Nhà khuyết góc Đông Nam:

Góc Đông Nam thuộc hành Mộc, cung Tài Lộc, nếu nhà bị khuyết góc này thường có năng lượng dương suy yếu, gia chủ dễ gặp bất lợi về tiền bạc, công danh, dù nỗ lực cũng khó thu được kết quả, tiền kiếm được dễ mất… Nên bổ khuyết ngũ hành Mộc và tăng dương khí cho khu vực bị khuyết thiếu bằn cách đặt các chậu cây xanh như kim tiền, kim ngân… tránh các cây có gai, bố trí thêm đèn chiếu sáng, mở thêm cửa… Ngoài ra đặt tượng Rắn tại đây cũng là một giải pháp.

+ Nhà khuyết góc phía Bắc:

Góc phía Bắc thuộc hành Thủy, cung Quan lộc, nếu ở ngôi nhà bị khuyết góc này gia chủ sẽ ít cơ hội thăng tiến, làm việc chăm chỉ cũng khó được cất nhắc. Có thể hóa giải bằng cách đặt tượng Chuột bằng đồng hoặc đá ở khu vực bị khuyết, hoặc treo Thước Thập Nhị Địa Chi Ngũ Đế tại bức tường ở phương vị phía Bắc để hóa giải. Góc này bị khuyết cũng ảnh hưởng xấu đến con trai giữa, có thể đặt bể cá cảnh hoặc treo tranh “Chung Quỳ chiêu phúc”.

+ Nhà khuyết góc Tây Nam

Góc Tây Nam thuộc hành Thổ, cung Tình duyên, nếu ngôi nhà khuyết góc này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng, người độc thân khó tìm được ý trung nhân. Tuy nhiên nếu góc này bị lõm ít sẽ tốt cho người phụ nữ trong gia đình. Có thể đặt tượng khỉ bằng đồng, thước Thập Nhị Địa Chi Ngũ Đế để hóa giải. Ngoài ra có thể treo tranh uyên ương, hoa mẫu đơn, các biểu tượng cặp đôi để tăng tình cảm vợ chồng, cơ hội kết đôi cho người độc thân.

Tranh hoa mẫu đơn Tranh hoa mẫu đơn tốt cho cung Tình duyên, nên đặt ở góc phía Nam ngôi nhà. Ảnh minh họa

+ Nhà khuyết góc Đông Bắc

Góc Đông Bắc ngũ hành thuộc Thổ, cung Học vấn, nếu nhà bị khuyết góc này con cái học hành không tấn tới, gia chủ ít hanh thông về công việc. Khuyết góc này còn ảnh hưởng đến con trai út, nên đặt tượng trâu bằng đồng hoặc treo đồ sứ có hình “Mục đồng cưỡi trâu” để hóa giải.

Làm gì để nhà khuyết cũng tài lộc

Để ngôi nhà bị khuyết góc không bị ảnh hưởng về phong thủy, thậm chí còn tài lộc nên kết hợp giữa thiết kế, bài trí nội thất và bố trí vật phẩm phong thủy. Cụ thể, về mặt thiết kế, nên có phương án ngay từ đầu với những ngôi nhà có hình dáng đặc biệt, bố trí đồ đạc, vật trang trí che hết các góc chết, vị trí góc cạnh do nhà khuyết góc tạo ra. Về mặt phong thủy, nhà khuyết góc nào cần bổ khuyết năng lượng bị thiếu của góc đó và chọn vật phẩm phù hợp.

Cách hóa giải nhà không vuông vắn

Nhà không vuông vắn cũng chính là những ngôi nhà bị khuyết góc hoặc có những góc nhọn gây sát khí. Gia chủ nên kiểm tra xem ngôi nhà của mình có hình dáng nào, bị khuyết ở vị trí nào, có những góc nhọn nào… từ đó lựa chọn phương án bổ khuyết hoặc đặt vật phẩm phù hợp theo hướng dẫn ở trên.

Khắc phục đất khuyết góc

Với đất bị khuyết góc gia chủ nên trồng cây tại những khu vực có phần đất thừa ra do chỗ khuyết tạo thành, ví dụ phần góc nhọn của mảnh đất hình thang, hình tam giác… Ngoài ra, mảnh đất khuyết góc cũng chưa ảnh hưởng quá nhiều nếu gia chủ biết lựa thế của mảnh đất để xây ngôi nhà có mặt bằng vuông vắn. Những phần đất méo thừa ra có thể thuê công ty thiết kế kiến trúc tư vấn các tiểu cảnh che phủ phù hợp, vừa đẹp về thẩm mỹ, vừa hài hòa về phong thủy.

batdongsan.com.vn

So sánh các bảng liệt kê

So sánh

Không thể thực hiện thao tác