Thị trường bất động sản ‘giảm tốc’ nhưng giá vẫn còn neo giữ mức cao

Theo Bộ Xây dựng, nhìn chung, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước nhiều khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều.

Đánh giá về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý III/2022, Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch căn hộ chung cư trong quý này cơ bản ổn định so với quý trước, giá nhà ở chung cư tại một số khu vực tại TP Hà Nội, TP.HCM tăng hơn so với quý II.

Đáng chú ý, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2; căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận/huyện.

Sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp có mức giá khoảng 30-50 triệu đồng/m2.

Giá nhà đất vẫn còn “neo giữ mức giá cao” nhưng với nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì có thể đành phải “xả hàng”, thậm chí chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ” để bảo tồn phần vốn còn lại (Ảnh minh hoạ)

Tại Hà Nội và TP HCM một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao từ 80-160 triệu đồng/m2.

Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền, Bộ Xây dựng cho biết, nhìn chung, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước.

Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

“Tại các địa phương không còn tình trạng tăng nóng, sốt cục bộ như những tháng đầu năm. Nhiều địa phương đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng”, Bộ Xây dựng nhận định.

Báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy thị trường bất động sản đã xuất hiện hiện tượng giảm giá. 

Theo báo cáo của của một đơn vị, hiện tượng giảm giá bất động sản ở phía Bắc diễn ra trên diện rộng. Cụ thể, lượt tìm kiếm tại hầu hết các tỉnh thành phía Bắc đều sụt giảm khá mạnh so với quý II, sâu nhất lên đến 45% tại các địa bàn như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nam. Các thành khác cũng ghi nhận lượt tìm kiếm giảm 10-20%.

Ngược lại, những tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên ghi nhận lượt tìm kiếm tăng so với quý 2, trong đó địa bàn tăng mạnh nhất là Lai Châu, lên đến 82%.

Về mức giá, Bắc Ninh ghi nhận mức giá bán đất nền sụt giảm 6% trong quý III/2022 so với quý II/2022 (từ 28 triệu đồng/m2 xuống 26 triệu đồng/m2). Hưng Yên ghi nhận mức biến động giá bán đất nền không đổi, giátrung bình gần 20 triệu đồng/m2.

Quảng Ninh ghi nhận mức giá rao bán đất nền giảm 7%, từ 26 triệu đồng/m2 xuống 24 triệu đồng/m2. Tại Bắc Giang, giá bán đất nền giảm 5%, từ 17 triệu đồng/m2 xuống 15 triệu đồng/m2. Hải Phòng là địa phương ghi nhận mức giá bán đất nền tăng 3% từ mức gần 29 triệu đồng/m2 lên tới 31 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, mức giá bán đất nền cũng ghi nhận sự khác biệt giữa các khu vực. Ở Hoài Đức, giá bán đất nền ghi nhận tăng 5%, nhưng mức độ quan tâm giảm tới 17%. Tại Hà Đông, giá bán đất nền tăng 1% nhưng lượng quan tâm giảm 18%. Tại Sóc Sơn, giá bán đất nền tăng 4% và mức độ quan tâm giảm 30%.

Gia Lâm cũng là khu vực nằm trong danh sách ghi nhận mức giá bán tăng 2% nhưng mức độ quan tâm giảm 28%.

Trong khi đó, các huyện như Quốc Oai, giá đất nền giảm 1%. Thanh Trì ghi nhận mức giá giảm mạnh 9% và con số này ở Long Biên là 10%. Tại Đông Anh, mức giá bán giảm 4%.

Theo đơn vị nghiên cứu bất động sản này, lượng quan tâm sụt giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá đất nền hạ nhiệt. Đất nền cũng là loại hình liên tiếp ghi nhận các đợt sốt nóng trong 2 năm qua nên giá buộc phải chững hoặc giảm để tìm điểm cân bằng cung – cầu.

Hay tại báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại từng khu vực cũng cho thấy, giá bất động sản tại nhiều khu vực đang hạ nhiệt.

Tại Lâm Đồng, hoạt động mua bán đất nền sụt mạnh với hơn 6.000 nền được giao dịch thành công trong quý 3, giảm 13.000 nền so quý II/2022, giá xuống nhẹ. Một số nhà đầu tư đã phải chấp nhận cắt lỗ.

Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ghi nhận tình trạng đầu cơ giảm so 6 tháng đầu năm nay, hiện tượng nhà đầu tư bỏ cọc nhiều… các khu đất, dự án trước kia tấp nập người mua kẻ bán giờ vắng vẻ, lác đác người hỏi giá nhưng không đặt vấn đề mua, cọc…

Chuyên gia bất động sản cho rằng, đất nền các huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều đợt sốt đất cục bộ trong những năm gần đây. Đến đầu năm 2022, tuy một số thị trường vẫn giữ được độ “nóng” song đã dần hạ nhiệt.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, tuy thị trường bất động sản đã có dấu hiệu “giảm tốc”, chậm lại, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và tùy theo khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn còn “neo giữ mức giá cao”.

Lý giải hiện tượng này Chủ tịch HoREA cho rằng, do doanh nghiệp và cả nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm (trước Tết Qúy Mão), nhưng cũng do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn (thường chiếm đến 50-70%) nên sức chịu đựng có hạn đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì có thể đành phải “xả hàng”, thậm chí chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ” để bảo tồn phần vốn còn lại.

Theo vietnamnet.vn

So sánh các bảng liệt kê

So sánh