Khác với nhà đất, việc sửa chữa, lắp đặt, thêm hoặc dỡ bỏ một số hạng mục trong nhà chung cư phải tuân thủ những quy định riêng. Tuy nhiên, rất nhiều người mua chung cư hiện nay vẫn còn mơ hồ về các quy định này, hãy cùng Tanphuland chúng tôi tìm hiểu trước khi bắt tay vào sửa chữa căn hộ của mình nhé.
1. Lý do nhà chung cư bị hạn chế sửa chữa
Do dự án chung cư được thiết kế theo những tiêu chuẩn chung, nên người mua sau một thời gian sử dụng thường muốn thay đổi kết cấu, thiết kế cho phù hợp với sở thích, nhu cầu hoặc phong thủy. Tuy nhiên, việc sửa chữa, cải tạo chung cư có thể dẫn đến thay đổi kết cấu, kiến trúc hoặc gây ảnh hưởng đến những căn hộ khác trong tòa nhà.
Theo đó, tại Điều 6 Luật Nhà ở 2014, chủ sở hữu nhà chung cư bị nghiêm cấm đối với hành vi “chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật, lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức, tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư”.
Điều 87 luật này cũng quy định rõ trường hợp chủ sở hữu muốn cải tạo nhà chung cư thì phải được sự đồng ý của chủ đầu tư và phải xin phép cải tạo theo quy định của luật xây dựng. Ngoại lệ chỉ có 2 trường hợp không phải xin phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở như sau:
Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình.
Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.
Thủ Tục Sửa Chữa Chung Cư
Việc sửa chữa căn hộ chung cư cần phải đảm bảo tuân thủ những quy định riêng. Ảnh minh họa
2. Thủ tục xin sửa chữa nhà chung cư
Chung cư gồm những căn hộ có cơ sở hạ tầng xã hội đồng bộ, lối thiết kế tương tự và được sự quản lý chặt chẽ từ chủ đầu tư cũng như ban quản lý tòa nhà. Vì vậy, trước khi cải tạo căn hộ, chủ sở hữu cần chuẩn bị hồ sơ xin phép sửa chữa cho chủ đầu tư và ban quản lý, bao gồm:
Đơn đề nghị sửa chữa cải tạo căn hộ theo mẫu có sẵn của ban quản lý tòa nhà
Bản vẽ thiết kế sửa đổi theo nhu cầu của chủ nhà
Chủ đầu tư, ban quản lý sẽ xem xét hồ sơ này và quyết định việc có đồng ý cho chủ nhà sửa chữa, cải tạo căn hộ như mong muốn hay không.
Lưu ý, với những sửa chữa thay đổi liên quan đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật, không nằm trong phạm vi của ban quản lý có thể xét duyệt, chủ nhà cần phải xin cấp phép xây dựng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ bao gồm:
Đơn xin phép cải tạo, sửa chữa nhà hiện có ( Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng ban hành kèm theo Phụ lục 01 Thông tư 15/2016/TT-BXD)
Bản cam kết tập kết thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng;
Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.
Hình ảnh sửa chữa căn hộ: Ảnh chụp mặt đứng hiện trạng hạng mục công trình sửa chữa và công trình lân cận trước khi thi công sửa chữa kích thước (10 x 15 cm).
04 bộ bản thiết kế sửa chữa nhà chung cư
Sau đó, nộp hồ sơ tại Phòng quản lý đô thị thành phố, Phòng kinh tế và Hạ tầng các huyện, UBND cấp huyện… theo quy định thẩm quyền giải quyết, cấp phép của từng địa phương.
Thời gian để cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ là 15 ngày, tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Người xin phép sửa chữa nhà chung cư có trách nhiệm nộp lệ phí cấp phép xây dựng theo Luật định.Thời Gian Xây Nhà 3
3. Lưu ý khi sửa chữa căn hộ chung cư
Kế hoạch sửa chữa căn hộ chung cư cần phải tính toán chi tiết đến các vấn đề như: Hạng mục nào cần cải tạo, sửa chữa là những hạng mục gì? Thời gian thi công trong bao lâu? Phương án vận chuyển nguyên vật liệu thế nào? Chi phí dự tính là bao nhiêu?…
Nghiên cứu kỹ hiện trạng căn hộ của mình, tham khảo kiến trúc sư hoặc những người có kinh nghiệm về sửa chữa, thiết kế căn hộ để từ đó lên phương án cải tạo nhà ở tối ưu nhất.
Khảo sát từ 1-2 dịch vụ thiết kế, cũng như đơn vị thi công sửa chữa căn hộ để chọn ra đơn vị phù hợp nhất (về giá cả, dịch vụ, bảo hành…). Trước khi bắt tay vào sửa chữa phải trao đổi kỹ với đơn vị thi công các vấn đề cần làm và thỏa thuận cụ thể bằng văn bản, tránh những rắc rối hay chi phí phát sinh. Ngoài ra, trong quá trình thi công, chủ nhà cần phải giám sát thường xuyên để đảm bảo công việc diễn ra đúng tiện độ, phản ánh kịp thời nếu thấy những hạng mục sửa chữa chưa hợp lý để có điều chỉnh ngay.
Tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến việc sửa chữa, cải tạo nhà chung cư. Tuân thủ đúng các quy định này để không bị gián đoạn khi đang thi công, tránh gây ảnh hưởng và thiệt hại đến bản thân cũng như các cư dân khác trong tòa nhà.
Theo alonhaxinh