Đất rừng sản xuất có được vay thế chấp ngân hàng không?

Thế chấp đất đai là một trong các quyền cơ bản của người sử dụng đất khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Vậy, đất rừng sản xuất có được thế chấp không?

1. Đất rừng sản xuất có được thế chấp không?

Đất rừng sản xuất là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, được sử dụng chủ yếu vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản. Rừng sản xuất hiện nay gồm: Rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất là rừng trồng.

Theo đó, Điều 84 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất có quyền sau đây:

– Các quyền của chủ rừng quy định tại Điều 73 Luật Lâm nghiệp năm 2017;

– Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng sản xuất do chủ rừng đầu tư;

– Được sở hữu cây trồng xen, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng phòng hộ do chủ rừng đầu tư;

– Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng trồng;

– Được chia sẻ lợi ích từ rừng trong trường hợp trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước;

– Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng;

– Cá nhân được để lại quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng được quyền thế chấp bằng giá trị rừng.

Người sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng được vay thế chấp (Ảnh minh họa)

2. Điều kiện thế chấp đất rừng sản xuất thế nào?

Để thực hiện quyền thế chấp, cá nhân, hộ gia đình cần đảm bảo đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật.

Cụ thể, theo Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng được thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Đất không có tranh chấp;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

– Trong thời hạn sử dụng đất.

Lưu ý: Trên đây là những điều kiện chung khi thế chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trên thực tế một số ngân hàng sẽ có thêm nhưng điều kiện thế chấp riêng.

3. Thủ tục thế chấp đất rừng sản xuất thế nào?

Căn cứ Điều 27 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất gồm các giấy tờ sau đây:

– Phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01a;

– Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật khác có liên quan quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

– Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp:

  • Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);
  • Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.

Các bước đăng ký thế chấp đất rừng sản xuất thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Nơi nộp hồ sơ: Văn phòng đăng ký đất đai

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

– Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, trường hợp không có căn cứ từ chối, Văn phòng đăng ký đất đai ghi, cập nhật nội dung đăng ký theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ vào sổ đăng ký và Giấy chứng nhận.

– Sau khi ghi vào sổ đăng ký và Giấy chứng nhận thì chứng nhận nội dung và thời điểm đăng ký vào Phiếu yêu cầu đăng ký.

Theo luatvietnam.vn

So sánh các bảng liệt kê

So sánh

Không thể thực hiện thao tác

Mục lục