Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng vốn ODA thì chi phí xây dựng trong dự toán có phải tính thêm 10% thuế giá trị gia tăng hay không?
Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang trả lời như sau:
Tại Điều 44 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quy định:
“Điều 44. Thuế và phí đối với chương trình, dự án
Thuế và phí áp dụng đối với chương trình, dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.
Tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quy định:
“Điều 12. Xác định dự toán xây dựng công trình
… 2. Chi phí xây dựng gồm: Chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng, được xác định như sau:
a) Chi phí trực tiếp…
b) Chi phí gián tiếp…
c) Thu nhập chịu thuế tính trước được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%);
d) Thuế giá trị gia tăng theo quy định”.
Tại Điều 2, Điều 4, Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế giá trị gia tăng, quy định:
“Điều 2. Đối tượng chịu thuế
Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này”.
“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
… 12. Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.
… 19. Hàng nhập khẩu và hàng hóa, dịch vụ bán cho các tổ chức, cá nhân để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau:
a) Hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại và phải được Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính xác nhận;
… e) Hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam”.
“Điều 11. Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
Các mức thuế suất thuế giá trị gia tăng nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại”.
Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang trả lời theo nguyên tắc như sau:
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì chi phí xây dựng trong dự toán phải tính thuế giá trị gia tăng theo thuế suất quy định tại Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì không phải tính thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được thực hiện theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thuế giá trị gia tăng liên quan đến việc thực hiện dự án khác các trường hợp nêu trên chỉ áp dụng chính sách thuế đối với dự án theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
Đề nghị ông xác định việc sử dụng nguồn vốn của từng dự án cụ thể để áp dụng tính thuế giá trị gia tăng trong dự toán xây dựng công trình theo thực tế hoạt động dự án.
Theo CafeLand